Biến chứng nguy hiểm của bệnh thủy đậu mà ít ai biết

Bệnh thủy đậu có thể gây nhiễm trùng da, nhiễm trùng máu, viêm phổi, viêm não, nhiễm trùng xương, khớp… nếu không được phòng ngừa và chữa trị kịp thời. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp ở trẻ 5-9 tuổi, xảy ra nặng nhất ở người lớn và trẻ dưới 5 tuổi.

Một trong những dấu hiệu của bệnh thủy đậu là người bệnh sốt cao, đau nhức, sau đó xuất hiện mụn nước trên da, trong vòng 24-48 giờ có thể nổi toàn thân. Trường hợp người bệnh có sức đề kháng tốt, mụn nước thường nổi ít hơn, tình trạng bệnh không quá trầm trọng.

Nếu thể trạng không tốt hoặc trước đó người bệnh đã mắc các bệnh lý khác, có ảnh hưởng đến sức đề kháng của cơ thể, số lượng mụn nước có thể gia tăng nhiều, dễ gây nhiễm trùng nốt đậu, để lại sẹo, gây mất thẩm mỹ. Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm dễ lây lan, hầu hết bệnh ở mức độ nhẹ. Tuy nhiên, bệnh có thể diễn tiến nặng, khiến bệnh nhân bị nhiễm trùng máu, biến chứng vào phổi, não, gan, xương khớp…, thậm chí có thể gây tử vong.

Theo báo cáo công bố của cơ quan Dịch vụ Y tế Anh, khoảng 5 – 14% người lớn bị thủy đậu gặp vấn đề về phổi, viêm phổi. Nếu người bệnh nghiện thuốc lá, nguy cơ viêm phổi cao hơn rất nhiều. Riêng trường hợp bị viêm não do biến chứng của thủy đậu, tỷ lệ tử vong chiếm 5 - 20%, ngay cả khi được cứu sống bệnh vẫn có thể để lại di chứng nặng nề.

Phụ nữ có thai mắc bệnh thủy đậu trong 28 tuần đầu của thai kỳ, có khả năng bị sảy thai, hoặc thai nhi có nguy cơ phát triển hội chứng thủy đậu thai nhi. Đây là hội chứng hiếm, tỷ lệ xảy ra trong 12 tuần đầu dưới 1%, giữa tuần 13 - 20 là 2%. Trường hợp mới sinh ra đã mắc thủy đậu từ mẹ, trẻ có thể bị dị tạt bẩm sinh hoặc bệnh diễn tiến nặng dẫn đến tử vong.

Nguy cơ biến chứng và tử vong tăng theo tuổi. Theo thống kê của Bộ Y tế New Zealan, tỷ lệ tử vong ở trẻ em khỏe mạnh là 2 trên 100.000 trường hợp, nhưng ở người lớn thì cao gấp 15 lần. Mức độ biến chứng ở người lớn cũng nặng hơn trẻ em. Đa số bệnh nhân đều chưa tiêm ngừa vắc xin phòng bệnh.

 

Trẻ em và người lớn nên tiêm chủng phòng ngừa bệnh thủy đậu càng sớm càng tốt

Trời lạnh kèm mưa phùn, độ ẩm không khí cao vào mùa Đông – Xuân là thời điểm dễ bùng phát nhiều dịch bệnh như sởi, tay chân miệng, thủy đậu… Với các bệnh liên quan đến virus nói chung, người dân cần chú ý đề phòng từ đầu mùa, vệ sinh cá nhân thường xuyên, bổ sung các thực phẩm có lợi cho sức khỏe, luyện tập thể thao để tăng sức đề kháng của cơ thể.

Khi bị thủy đậu, người bệnh nên sớm đi thăm khám và chữa trị. Người bệnh không nên gãi sẽ gây bội nhiễm vi khuẩn, tắm nước ấm, giặt và phơi nắng đồ dùng cá nhân, tránh tụ tập nơi đông người, che tay hoặc quay lưng lại khi ho… để tránh lây nhiễm cho người khác.

Người dân nên chủ động tiêm phòng trước khi có dịch để giảm nguy cơ lây nhiễm, tránh cảnh chen chúc, cháy vắc xin tại các phòng tiêm chủng.

+  Tất cả trẻ em từ 12 – 18 tháng tuổi được tiêm 1 lần

+  Trẻ em từ 19 tháng tuổi – 13 tuổi, chưa từng bị thủy đậu lần nào cũng tiêm 1 lần.

+  Trẻ em trên 13 tuổi và người lớn chưa từng bị thủy đậu lần nào thì nên tiêm 2 lần, nhắc lại cách nhau 4 – 8 tuần.

+  Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, nên tiêm ngừa ít nhất 3 tháng trước khi dự định có thai.

Một nghiên cứu của trung tâm tư vấn tiêm chủng new Zealand cho thấy, khoảng 70 – 90%  trẻ có thể miễn dịch với thủy đậu sau mũi thứ nhất và tăng lên 97 – 99% trẻ sau mũi thứ 2. Hoàn thành 2 mũi đối với thanh niên, khoảng 91% người trưởng thành sẽ tránh được bệnh thủy đậu mức độ từ trung bình đến nặng. Theo trung tâm kiểm soát và phòng dịch bệnh Mỹ, tỷ lệ này có thể lên tới 98%.
Hương Quỳnh

 


Hướng dẫn mua hàng



* Tác dụng có thể khác nhau tùy cơ địa của người dùng
Đối tác