Smartphone, tai nghe có thể gây mụn trứng cá?

Trong xã hội hiện đại ngày nay, smartphone và tai nghe (ear-headphones) đang là vật dụng được sử dụng phổ biến bởi những tiện ích mà chúng đem lại cho cuộc sống. Tuy nhiên, ít ai biết được việc thường xuyên dùng các vật dụng này sẽ gây ra khá nhiều tác hại cho da mặt của mình. Việc sử dụng smartphone quá nhiều và không thường xuyên vệ sinh có thể gây mụn trứng cá ở trên da mặt.


Theo như tiến sĩ - chuyên gia da liễu Erin Gilbert, con người hiện nay có tới 3 nghìn tỉ vi khuẩn ký sinh trên da với tổng trọng lượng khoảng 0,9 Kg. Một số nhà nghiên cứu đã tiến hành lấy mẫu và xác định chủng loại vi khuẩn tồn tại trên da mặt của người và màn hình smartphone. Kết quả cho thấy, có 3 loại vi khuẩn chính đó là staphylococcus (vi khuẩn tụ cầu), streptococcus (vi khuẩn liên cầu) và corynebacterium (vi khuẩn bạch hầu), đang tồn tại tự nhiên trên da, xuất hiện trên bề mặt các smartphone. Tuy nhiên, khi 3 chủng vi khuẩn trên tập trung với số lượng lớn trên bề mặt smartphone cộng với các chất nhờn/chất bụi bẩn tích tụ theo thời gian, thì khi chúng ta áp điện thoại lên tai để nghe và đàm thoại, cũng chính là cơ hội để chất nhờn/bụi bẩn và vi khuẩn từ smartphone lây truyền lên da mặt. Sự lây truyền “vô tình” này sẽ góp phần gây tắc nghẽn lỗ chân lông, làm gia tăng tình trạng viêm da và dẫn đến nổi mụn trứng cá. Như vậy, một trong những nguyên nhân chính gây nhiễm bẩn cho da và làm nổi mụn trứng cá đó chính là... việc sử dụng smartphone “thiếu vệ sinh”. Hiện nay, rất nhiều người có thói quen mang theo smartphone khi đi vào nhà vệ sinh và vô tình sẽ tạo cơ hội cho các vi khuẩn có hại khác xâm nhập và phát triển trên bề mặt smartphone. Cùng với đó là thói quen lười vệ sinh, lau chùi màn hình điện thoại cũng là nguyên nhân không nhỏ khiến da bị nhiễm bẩn và nổi mụn.

Một trong những thiết bị giải trí khác có thể gây ra các vấn đề về da chính là tai nghe chụp (ear-headphone). Bác sĩ da liễu Debra Luftman nói: "Đeo tai nghe quá lâu cũng tạo môi trường hoàn hảo cho sự phát triển của mụn trứng cá và nhiễm trùng da". Theo TS Luftman, mồ hôi, gầu và hơi ẩm từ tóc, da có thể thâm nhập vào miếng đệm tai và tạo môi trường các vi khuẩn phát triển khi bạn sử dụng. Để khắc phục vấn đề này, chúng có thể làm sạch miếng đệm tai nghe bằng cồn và dung dịch chuyên dụng; thậm chí bạn có thể mua một số loại tai nghe có thể tháo lắp  dễ dàng lấy ra và rửa sạch bằng xà phòng và nước. 

Tuy nhiên, do việc sử dụng smartphone cũng như tai nghe là nhu cầu không thể từ bỏ trong cuộc sống hiện đại, chúng ta cần phải sử dụng smartphone một cách khoa học và đảm bảo vệ sinh để đảm bảo cho sức khỏe cũng như làn da. Giải pháp tốt nhất là thường xuyên sử dụng các miếng vải thấm dung dịch tẩy rửa chuyên dụng để làm sạch bề mặt điện thoại. Đồng thời, tuyệt đối không nên mang theo smartphone để sử dụng khi vào nhà vệ sinh. Ngoài ra, không nên áp màn hình điện thoại lên tai để nói chuyện quá lâu, thay vào đó hãy sử dụng tai nghe để hạn chế tối đa sự tiếp xúc với da. 

                                                                                                                                                                                                                                             Hà My 
* Tác dụng có thể khác nhau tùy cơ địa của người dùng
Đối tác